Quần vợt là môn thể thao được ưa chuộng thứ 3 trên thế giới chỉ sau bóng rổ và bóng đá. Dù là có thứ hạng khá cao trong lòng người hâm mộ, thế nhưng người chơi quần vợt vẫn chưa thể coi đây là nghề có thể kiếm tiền đủ cho cuộc sống được. Đó là toàn bộ ý nghĩa lời nói của Novak Djokovic trong một buổi phỏng vấn. Anh đang yêu cầu thay đổi cách trả tiền cho những tay vợt nằm ngoài top 100 ATP. Bởi anh cho rằng những tay vợt nằm ngoài top này không thể đủ sống bằng việc chỉ đầu tư vào việc chơi tenis. Yêu cầu của anh nhận được rất nhiều sự ủng hộ của các tay vợt bởi nó ảnh hưởng trực tiếp tới phong độ thi đấu và cách họ đầu tư thời gian cho quần vợt.
Mục Lục
Djokovic đề nghị thay đổi cách trả tiền cho VĐV
Theo Novak Djokovic, quần vợt cần thay đổi cách trả tiền để đảm bảo thu nhập công bằng cho các tay vợt nằm ngoài top 100 thế giới.
“Tôi đã nghe rất nhiều về việc Djokovic, Nadal, Federer kiếm được bao nhiêu tiền”. Tay vợt số một thế giới chia sẻ với tờ Sport Klub của Serbia hôm 22/11. “Đừng nói về việc đó nữa, hãy nói về những người ở phía dưới bảng điểm. Tôi biết chỉ khoảng 350-400 tay vợt hàng đầu kiếm đủ sống bằng nghề này. Quần vợt là môn thể thao phổ biến thứ ba thế giới, nhưng nằm ngoài top 10 về thu nhập”.
Novak Djokovic cho rằng cơ cấu trả tiền của các giải quần vợt bất hợp lý bởi thu nhập của người chơi phụ thuộc hoàn toàn vào nhà tổ chức. Không như các môn thể thao hàng đầu khác. Quỹ thưởng của quần vợt do từng sự kiện quyết định. Chẳng hạn, bốn Grand Slam chịu giám sát của Liên đoàn Quần vợt Quốc tế – ITF, nhưng có quyền tự do trả thưởng cho người chơi.
Top 100 ATP được ưu ái hơn so với phần còn lại
Djokovic cùng một số tay vợt đã thành lập Hiệp hội các tay vợt chuyên nghiệp – PTPA, cố gắng tham gia vào quá trình chi trả thù lao ở mỗi sự kiện trong năm. Tuy nhiên, PTPA chịu nhiều chỉ trích từ các tên tuổi lớn như Rafael Nadal, Roger Federer hay Serena Williams.
“PTPA cố gắng làm mọi thứ vì lợi ích chung của các tay vợt, cả nam và nữ”, Djokovic nhấn mạnh. “Chúng tôi muốn tiếng nói của người chơi được lắng nghe, nhưng không ai nghe. Họ chỉ tập trung chăm sóc giới tinh hoa trong quần vợt. Đó là cách mọi thứ đang diễn ra. Chỉ có một đứa trẻ đến từ Serbia cố gắng tạo ra khác biệt”.
Djokovic kiếm nhiều tiền thưởng nhất lịch sử quần vợt, gần 155 triệu USD. Anh từng lập kỷ lục kiếm 21 triệu USD mùa 2015, còn mùa giải năm nay là 9 triệu. Theo Tennishead, chỉ top 100 ATP có khả năng làm giàu nhờ tiền thưởng.
“Tôi tôn trọng cấu trúc của ATP, tôi là một phần của nó và kiếm sống nhờ các giải của ATP”, Djokovic nói tiếp. “Tôi đang cố đóng góp vào tiến trình thay đổi ATP Tour. Không có gì bí mật khi nói rằng hệ thống hiện tại hoạt động không tốt cho người chơi. Chúng ta phải tìm ra cách để nhiều tay vợt kiếm sống được. Phải làm tốt hơn và công khai điều này thường xuyên hơn”.
Djokovic đang hội quân cùng tuyển quần vợt Serbia, chuẩn bị cho VCK Davis Cup khởi tranh 25/11.
Nole chắc chắn kết thúc năm thứ 7 ở ngôi vị số 1
Novak Djokovic để thua trước Alexander Zverev tại bán kết ATP Finals 2021. Lỡ cơ hội san bằng kỉ lục 6 danh hiệu giải đấu này của Roger Federer. Tuy nhiên tay vợt số 1 thế giới vẫn nhận được nhiều lời ngợi khen.
Trong chia sẻ với ATP, huyền thoại thoại người Mỹ Pete Sampras ca ngợi Nole hết lời: “Những danh hiệu Grand Slam, sự ổn định, phong độ tuyệt vời của Novak suốt 10 năm qua, rõ ràng cậu ấy xứng đáng là tay vợt vĩ đại nhất mọi thời đại.
Ngay cả khi đã lớn tuổi cậu ấy vẫn thống trị tennis. Vượt trội hơn so với 2 đồng nghiệp Rafa, Roger, và xuất sắc hơn thế hệ trẻ. Tôi từng là tay vợt hay nhất trong vài năm, nhưng cậu ấy thống trị tennis thời gian dài”.
Hiện tại Nole chắc chắn kết thúc năm thứ 7 ở ngôi vị số 1 tennis, một kỷ lục chưa ai có được, tay vợt Serbia cũng đang giữ kỷ lục 348 tuần giữ ngôi đầu bảng xếp hạng ATP. “The Djoker” sắp gia nhập nhóm các tay vợt có 1.000 chiến thắng (985 thắng, 199 thua), có 86 danh hiệu, đứng thứ 5 trong danh sách người chơi có nhiều danh hiệu nhất sau kỷ nguyên mở.